Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'
Đây là công trình Phật giáo được tôn tạo theo một cách công phu, thậm chí là không tưởng để trở thành kiệt tác kiến trúc, kỳ tích của ngành kiến trúc và xây dựng
Núi Bà Đen được biết đến là một trong số ít các huyệt đạo thiêng nhất của nước Việt Nam, đặc biệt nơi đây gắn liền huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu - một tượng đài trong đời sống tín ngưỡng của người dân Nam bộ.
Trong Gia Định thành thông chí - một sử liệu quan trọng về Nam bộ thời nhà Nguyễn của Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ 19, núi Bà Đen được mô tả như sau: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù. Tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Theo đó, núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế.